Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Việt Nam Đại Chí Diễn Nghĩa

Lời bạt
Khi xưa ta xem Bắc sử, đọc Đông Chu Liệt Quốc đến đoạn Ngũ Tư Tử bị giết đầu treo nơi Bắc môn thì giận tím cả mặt, xem Tam Quốc Chí đến đoạn Quan Vân Trường chết nơi Đông Ngô thì lệ đẫm cả sách, xem Tống Thư đến đoạn Văn Thiên Tường viết Chính Khí Ca thì cảm khái thay cho kẻ hào kiệt.
Tần Quỳnh, Uất Trì Cung phò Lý Thế Dân mà nổi danh thiên hạ, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật giúp Lý Hanh mà công danh đầy sử sách. Nhạc Phi công lao hãn mã lại oan khuất ở Phong Ba Đình, Hàn Thế Trung cương trực đành chán nãn ngao du sơn thủy.
Gia Cát Lượng ôm hận nơi Ngũ Trượng khiến Tây Thục bị nuốt, Vương Mãnh yểu mệnh mà Tiền Tần bị diệt vong. Thế mới biết thế cuộc biến đổi khôn lường nhưng kẻ sĩ hào kiệt danh lưu muôn thở.
Lần xem Nam sử, thấy Triệu Đà lập quốc một cõi mà người đời sau vẫn còn chưa biết tính vào một kỷ hay không. Lê Long Đĩnh nắm ngôi bốn năm, đánh nam dẹp bắc, chết vẫn mang tiếng là hôn quân. Đến những lúc đọc Tiền Ngô Vương thắng quân Nam Hán, Lê Đại Hành phá Tống thì vổ tay khen. Đến khi đọc Nam Quốc Sơn Hà của Lý Thường Kiệt, Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi thì thấy huyết quản sôi lên, máu Lạc Hồng cuộn chảy.
Đến Nam - Bắc Triều, rồi Trịnh - Nguyễn phân tranh, sử đã xem qua, ký cũng đã đọc. Anh hùng, hào kiệt, mưu thần, kẻ sĩ đủ cả. Văn phong chưa phải quá hay nhưng cũng đã thoát thai phần nào cái hồn của người trong cuộc. Đến hồi Tây Sơn - Phụ Nguyễn tranh hùng, kẻ sĩ đầy rẫy, chiến tích dày đặc, mưu lạ vô biên. Thấy thế cuộc xoay vần, không ai có thể tiên liệu được.
Khi Tĩnh Đô Vương đem quân vào nam lấy Phú Xuân, cứ nghĩ An Nam đã thu về một mối. Nhưng vận khí nước Nam chưa đạt khiến cho Hoàng Ngũ Phúc mạng vong và quân Bắc Hà dịch bệnh chết hơn phân nữa. Nguyễn Văn Nhạc cơ mưu, trước dựng Hoàng tôn Dương, sau trá hàng quân bắc, bốn lần đánh Gia Định, cứ nghĩ đã nắm yên được Nam Hà.
Nguyễn Văn Huệ dùng Nguyễn Hữu Chỉnh, đem quân lấy Phú Xuân, rồi đem quân hổ báo mà đánh giết đàn dê nơi Bắc Hà khiến họ Trịnh mất vía, ngỡ cùng là làm thêm một chúa Nguyễn ở phía Bắc. Thế mà đang đêm, Tây Sơn rút quân khiến cho Bắc Hà tiếng là có Lê Đế mà bơ vơ vô chủ. Thế rồi huynh trưởng xưng đế, nhị đệ phong vương, rồi huynh đệ giao tranh, Phú Xuân - Quy Nhơn ly tán, Thăng Long - Gia Định đều rồi loạn.
Họ Nguyễn ở Nam Hà đã chết hai chúa, Họ Trịnh ở Bắc Hà cũng chẳng hơn gì. Tân Chính Vương, Thái Thượng Vương họ Nguyễn thua trận bị giết, Thụy Quận Công, Quế Quận Công họ Trịnh dấy binh bất lực rồi cũng bỏ đi ẩn tích. Nguyễn Hữu Chỉnh quyền mưu, nổi danh Hữu quân, giết Dương Trọng Tế, bắt Hoàng Phùng Cơ, đuổi Đinh Tích Nhưỡng rồi cũng chết vì một tay Tả quân Vũ Văn Nhậm. Bọ ngựa ve sầu, Tả quân kia lại chết vì tay thuộc hạ bất phục.
Cái lúc Bắc Bình Vương lên ngôi đế ở Bân Sơn, xua quân tỳ hổ mà đánh đàn ưng khuyển nước Thanh phương Bắc do Chiêu Thống rước về, cứ nghĩ nước Nam giờ đã phục hưng mà ngôi cửu ngũ tức vị kia cũng là chính đáng. Thế mà trời chả chiều lòng người khiến cho kẻ anh hùng yểu mệnh. Con côi, vợ dại, đám đại thần toàn là kẻ hào kiệt nhưng chẳng ai làm nổi cái việc như Vũ Hương Hầu[1] nhà Hán, Lý Quốc Công[2] nhà Lý. Bùi Đắc Tuyên dã tâm có thừa mà quyền biến thì còn thua xa Trần Thủ Độ. Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Huấn, Lê Trung há phải kẻ tầm thường mà thế cuộc lại tranh giành chả kém gì bọn Trịnh Tuy, Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trần Chân đời Hậu Lê. Ngô Thì Nhậm, Trần Văn Kỷ có tài mà không kịp dùng. Hết vụ biến Thiền Lâm đến binh loạn Hương Giang thì cái công giãi bày biết mấy cho đủ. Thế cho nên cơ đồ mới gây dựng nên đã đổ mất rồi.
Trước là Đại Nguyên Soái rồi lên Nhiếp Chính Quốc sau làm Nguyễn Vương. Khi bơ vơ nơi Cổ Cốt, đói khát nơi Vọng Cát mà đêm ngày vẫn mong về Gia Định. Thù nhà nợ nước, hai vai nặng gánh giang sơn. Một lần nhờ cậy quân Xiêm mà hậu thế còn mãi mĩa mai diễu sự. Thế rồi mưu thần kẻ sĩ hội ngộ, anh hùng hào kiệt theo về. Đặng Đức Siêu từ cựu đô tìm đến, Đặng Trần Thường từ đất bắc theo về. Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đức Xuyên bền gan giúp chúa. Gia Định tam kiệt theo phò, tam hùng trợ giúp. Hễ kẻ này ngã xuống, kẻ khác lại tiếp thay. Một đất Gia Định mở rộng, bảo hộ Chân Lạp, giao hữu Xiêm La, kết giao Vạn Tượng.
Đám cựu thù kia người thì đã đuối sức mà chết, kẻ thì bất lực chết già nơi đất Quy Nhơn, người lại yểu mệnh trời để so gươm đọ giáo. Đành hết sức mà đánh báo thù nơi đám con cháu và bọn đồ đảng. Trước lấy Diên Khánh, sau lấy Quy Nhơn. Dốc binh lực mà lấy Phú Xuân, lên ngôi đế để thu phục Bắc Hà, đem giang sơn thu về một mối.
Công danh là thế, sự nghiệp là thế. Từ xưa đến nay quả chưa từng có. Thế mà một lễ Hiến Phù cũng khiến cho bảo kẻ ngoại quốc kinh ngạc, hậu thế dèm chê. Ta có phải là người trong cuộc không? Làm sao dám xét?
Tây Sơn kia có tài đức gì không? Nếu không: sao từ cái đất hoang sơ cùng khổ dấy lên, hô một tiếng mà vạn người theo về. Đánh nam dẹp bắc, trong mấy năm mà thành đế nghiệp. Nội một nhà mà nhị Đế, nhất Vương. Nếu có: sao kết cục lại bi thương quá vậy, khiến kẻ hậu thế ai cũng xót xa.
            Phụ Nguyễn kia có tài đức gì không? Nếu có: sao từ nơi vương nghiệp mà thảm bại đến vậy. Nhị chúa đều chết, kẻ cô cùng lang thang khắp đất khách quê người. Nếu không: sao từ đám cô quân, một chốc bỗng phục hồi đế nghiệp, mở ra kỷ mới.
Vậy nên biết Nam sử đâu có kém gì Bắc sử. Anh hùng hào kiệt cứ theo sự tích mà ghi về. Đâu thể một yêu một ghét, một sớm một chiều mà phai bạt.
Tác giả: Mộ Dung Đức - TPT
Thừa Thiên Năm 2010



[1] Vũ Hương Hầu Gia Cát Lượng, Thừa tướng nhà Thục Hán (Trung Quốc)
[2] Quốc Công Lý Đạo Thành: Thái sư nhà Lý (Đại Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét