Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 23 tháng 9, 2011

Nguyễn Huệ hay Nguyễn Văn Huệ?!

Lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII ghi nhận một nhân vật vĩ đại, một anh hùng dân tộc bách chiến bách thắng, đó chính là Quang Trung Đế Nguyễn Quang Bình. Oái ăm thay, người anh hùng này lại được đặt tên một cách ngắn gọn, dân dã là Nguyễn Huệ thay vì cái tên Nguyễn Văn Huệ như trong chính sử.

Nguyễn Văn Huệ theo Đại Nam chính biên liệt truyện và Đại Nam Thực lục đều ghi rõ họ tên là Nguyễn Văn Huệ, người ấp Tây Sơn Thượng, phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam. Nguyên quán là người gốc xã Thái Lão, huyện Hưng Nguyên trấn Nghệ An, tổ tiên họ Hồ bị quân Nam triều (chúa Nguyễn) trong các đợt đánh ra Bắc Hà bắt về Đàng Trong để khai khẩn. Nguyễn Văn Huệ vì thế có gốc là họ Hồ nhưng đến đời ông đã đổi sang họ mẹ là họ Nguyễn.

Sử nhà Nguyễn, vì quan điểm chính thống - ngụy triều đã tìm cách bôi nhọ nguồn gốc anh em Tây Sơn Tam kiệt, bằng cách gán cho ông cụ nội tên Hồ Phi Long (nghĩa là không phải Rồng) và cha là Hồ Phi Phúc (nghĩa là không có Phúc). Một sự phỉ báng có ngụ ý. Việc ba anh em Tây Sơn lấy họ Nguyễn Văn từ khi nào và tại sao lại lấy họ đấy cần phải có sự giải thích thỏa đáng?!

Rất nhiều thuyết cho rằng, ba anh em Tây Sơn đã được đổi sang họ Nguyễn ngay khi chào đời. Nhưng Nhà Tây Sơn của Quách Tấn và Quách Giao, cũng như sử nhà Nguyễn đều viết chính Giáo Hiến mới là người khuyến nghị Hồ Nhạc đổi tên thành Nguyễn Văn Nhạc. Ở đây ta thấy sử nhà Nguyễn và Quách Tấn - Quách Giao có lý hơn, ba anh em Tây Sơn khi chưa khởi nghĩa vẫn mang họ Hồ.

Việc mang họ Nguyễn Văn xuất phát từ nhu cầu muốn lợi dụng danh nghĩa cùng họ chúa (họ Nguyễn Phúc) để tập hợp lực lượng. Nhưng tại sao lại mang họ Nguyễn Văn chúng ta có thể nghĩa là 3 thuyết:

1. Họ gốc họ Hồ ở Nghệ An là Hồ Văn (Hồ Văn Long - Hồ Văn Tiễn - Hồ Văn Phúc (Nguyễn Phi Phúc), nên khi đổi sang họ mẹ (Nguyễn), ba anh em Tây Sơn vẫn lấy họ lót có chữ Văn thành họ Nguyễn Văn.

2. Họ mẹ của ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Văn, nên khi đổi sang họ mẹ, ba anh em lấy nguyên gốc họ Nguyễn Văn, chỉ thêm tên thành Nguyễn Văn Nhạc - Nguyễn Văn Huệ - Nguyễn Văn Lữ. Thuyết này cũng có cơ sở khi ta biết Nguyễn Văn Dụng (sau này là Đại Tư mã), Nguyễn Văn Huấn (sau này là Thiếu bảo) đều có họ ngoại với ba anh em Tây Sơn. Điều này được chính sử nhà Nguyễn xác nhận. Hai anh em Nguyễn Văn Dụng, Nguyễn Văn Huấn có thể là anh em cô cậu với ba anh em Tây Sơn.

3. Họ gốc của ba anh em Tây Sơn là Hồ Phi. Đây là giả thiết thiếu thuyết phục nhất, nhưng đến nay nhiều nhà nghiên cứu vẫn chấp nhận như một kết quả lịch sử. Trong số các tướng lĩnh Tây Sơn mà sử sách ghi lại đến nay có Đô đốc Tây Sơn Hồ Phi Chẩn gốc Hà Tỉnh - Nghệ An, nhưng không có vai trò nổi bật. Trong số các tướng lãnh trụ cột của Tây Sơn cũng không có người nào họ Hồ Phi, một điều khá hiếm thấy trong giai đoạn mà các quan hệ thân tộc, huyết thống được coi trọng để đề bạt người nắm giữ những vị trí chủ chốt.

Nhà Nguyễn chính thức xem Tây Sơn là kẻ tử thù và ghi đích đanh Nguyễn Văn Nhạc - Nguyễn Văn Huệ - Nguyễn Văn Lữ trong tất cả các văn bản. Không hiểu vì lẻ gì, đến khoảng thế kỷ XIX và XX, tên của ba anh em Tây Sơn bị rút lại thành Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ - Nguyễn Lữ. Từ đó nó thành thói quen trong việc đặt tên đường, tên nhà bảo tàng. Liệu có đúng không khi ta cố tình sửa lại tên của một anh hùng dân tộc.

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ ở ấp Tây Sơn, Quy Nhơn

Tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ ở gò Đống Đa, Hà Nội

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét