Bài đăng phổ biến

Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2011

Hồi 1 - Việt Nam Đại Chí Diễn Nghĩa

Hồi 1:
Cảnh Hưng Đế cầu an nơi điện ngọc
Tĩnh Đô Vương mưu lược định sơn hà

Phàm vận nước có lúc suy lúc hưng, bậc hùng anh có lúc tiến lúc thoái. Hể thuận lòng trời, được lòng người thì dẫu có trãi qua bao nguy hiểm, gian khó cũng có lúc kiến thành đại nghiệp, để lại công đức khiến hậu thế muôn đời ca tụng. Nhược bằng trái lòng trời, nghịch lòng người thì dẫu hùng binh muôn vạn, tướng soái ngàn viên cũng có lúc sa cơ, đầu lìa khỏi cổ mà còn bị người đời nguyền rủa. Cho nên những bậc anh hùng cái thế đều lấy nhân nghĩa làm đầu, mưu cầu hạnh phúc cho trăm họ để tiếng thơm còn lưu truyền đến ngàn sau.
Nước Nam từ khi Tiền Ngô Vương Ngô Quyền mở cõi định ranh giới nam bắc, kế tiếp các triều Đinh, Lê, Lý, Trần thay nhau hùng cứ phương nam khiến cho trăm họ được cậy nhờ. Sau vì Hồ Quý Ly làm chuyện thoán nghịch bất đạo khiến dân chúng bất bình mà nhà Minh ở phương Bắc thừa cơ xâm lấn, khiến cho nước nam phải lầm than, người người phải sống trong cảnh nước mất nhà tan, lầm than không sao kể xiết.
May thay, trời vẫn tựa nước Nam. Lúc ấy Thái Tổ Lê Lợi chỉ là một kẻ áo vải nơi mạn ngược Lam Sơn - Thanh Hoa, thuận theo lòng trời, ứng với lòng người mà phất cờ, dấy binh khởi nghĩa. Kẻ sĩ bốn phương theo về, trăm họ tám hướng hưởng ứng, nên qua mười năm đánh dẹp gian khó, cuối cùng đã khôi phục được Nam Việt, lập nên triều đại Hậu Lê lững lẫy hơn 300 năm. Các vị vua nối tiếp như Thái Tông, Thánh Tông đều ơn khắp lê dân khiến con dân chúng nước nam đều đội ơn sâu.
Nhưng rồi vận nước hưng thịnh dần đến bước suy vong, bắt đầu từ các vị vua Uy Mục, Tương Dực đam mê tửu sắc, cai trị bạo ngược khiến trăm họ lầm than, quyền lực rơi dần vào tay ngoại thích họ Mạc. Mạc Đăng Dung tài hùng trí hiểm, phế nhà Hậu Lê lập nên triều Ngụy Mạc. Nhưng trăm họ nước Nam vẫn còn ghi nhớ ơn sâu của Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông nhà Hậu Lê, những kẻ tôi thần nghĩa sĩ nhà Hậu Lê như Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim (
阮淦), Đại Tướng quân Dực Quận Công Trịnh Kiểm (鄭檢)nhân đó mới đón người tôn thất nhà Lê là Lê Duy Ninh ở Ai Lao về lập làm vua hiệu là Trang Tông, bắt đầu giai đoạn Trung Hưng của nhà Hậu Lê.
Năm Nhâm Thìn (1592), niên hiệu Quang Hưng thứ 15 (nhà Hậu Lê đời Thế Tông Đế Lê Duy Đàm), Bình An Vương Trịnh Tùng thống lĩnh chư quân thủy bộ, tấn công Thăng Long phế nhà Ngụy Mạc, chính thức lập lại nhà Hậu Lê hay còn gọi là Lê Trung Hưng. Vua Lê Thế Tông phong Bình An Vương Trịnh Tùng làm Đô Tướng Tiết Chế các xứ thủy bộ, Chủ dinh kiêm quản Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự. Từ đấy Bắc Hà do Lê Đế - Trịnh Vương cai quản từ Lạng Giang cho đến Hà Trung.
Người con thứ hai của Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh Hầu Nguyễn Kim là Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vượt ải Trấn Ninh vào phương nam lập nghiệp được ấn phong làm Trấn thủ Thuận Quảng. Nguyễn Hoàng ra sức vổ về dân chúng, khai khẩn đồi điền, mở màng bờ cõi, tích cực phòng bị, làm chúa Nam Hà từ Bố Chính đến Gia Định. Cả hai vương vị Trịnh – Nguyễn đều ngoài mặt tôn phù Lê Đế, trong lại tranh dành, thôn tính lẫn nhau gây nên bảy cuộc chiến tranh Nam – Bắc khiến cho xương trắng đầy sông Linh Giang mà vận nước vẫn còn chia cắt.
Bắc Hà thời Trung Hưng đến nay đã trãi qua 13 đời đế. Vị hoàng đế thứ 13 là Cảnh Hưng Đế Lê Duy Diêu (黎維祧,黎維), vốn là con trưởng của Thuần Tông Đế Lê Duy Tường, lên ngôi tháng 5 năm Canh Thân (1740) lấy niên hiệu là Cảnh Hưng. Hoàng đế vốn bản tính thật thà chất phác, mưu sự chỉ mong muốn được yên ổn cho vương triều và trăm họ. Mọi sự triều chính đều do bên Liêu phủ của Trịnh Vương quyết định. Thậm chí cả đồ ngự dụng trong cung cũng do bên Liêu phủ chu cấp, nếu họ có lỡ chu cấp muộn thì vua cũng không lấy làm buồn phiền mà mở tiếng chê trách, ta thán.
Hoàng đế có rất nhiều vị hoàng tử, trong số đó người trưởng tử  là Lê Duy Vĩ được lập làm Hoàng Thái tử, nhị hoàng tử Lê Duy Vạn và tứ hoàng tử Lê Duy Cận. Thái tử Lê Duy Vĩ có dung mạo tuấn tú, tính khí can trường rất được vua cha thương yêu, cả Trịnh Vương bên Liêu phủ là Minh Đô Vương Trịnh Doanh quý mến. Bởi thế vua Lê Hiển Tông mới sai người mai mối cho Thái tử Lê Duy Vĩ với Quận chúa Tiên Dung là con gái của Minh Đô Vương. Thái tử Lê Duy Vĩ do vậy thỉnh thoảng qua bên Liêu phủ cùng dùng cơm với nhà chúa cho phải phép.
Một hôm, Thái tử Lê Duy Vĩ đang ngồi dùng cơm với Quận chúa Tiên Dung Trịnh Thị Ngọc Nhuận thì Thế tử của Minh Đô Vương Trịnh Doanh (鄭楹)là Trịnh Sâm (鄭森)cũng đến Liêu phủ vấn an vương phụ. Thái tử liền mời Thế tử cùng ngồi dùng cơm nhưng Hoa Dung Thái phi Nguyễn Thị gạt đi mắng Thế tử Trịnh Sâm:
- Nước có quốc pháp, nhà có gia quy. Thế tử tuy sẽ là người tập tước nay mai nhưng vừa là phận tôi, vừa là phận em sao có thể cùng ngồi dùng cơm.
Trịnh Sâm đưa mắt nhìn Thái tử Lê Duy Vĩ nhưng Thái tử Lê Duy Vĩ chỉ cúi đầu im lặng không nói. Trịnh Sâm nín giận lui ra ngoài bảo với đám thân tùy:
- Ta với hắn tất khổng thể đội trời chung.
Nguyên Trịnh Sâm là con của Minh Đô Vương Trịnh Doanh và Hoa Dung Thái phi Nguyễn thị. Trịnh Sâm từ nhỏ đã hiếu thắng lại được cưng chiều trong Liêu phủ nên trước nay chẳng chịu nhịn ai bao giờ. Trịnh Sâm có người em khác mẹ là Trịnh Lệ, hai anh em hay cùng chơi với nhau, nhiều khi bày trò đánh trận. Có nhiều hôm Trịnh Sâm đánh cho Trịnh Lệ thâm tím mặt mày bởi thế Hoa Dung Thái phi không thích, thường hay quở trách. Minh Đô Vương Trịnh Doanh trái lại còn khen Trịnh Sâm xứng đáng là con nhà chúa, có thể nối nghiệp.
Trịnh Sâm từ nhỏ đỏ nổi tiếng thông minh, lại lắm mưu mẹo nên rất được Minh Đô Vương yêu quý. Minh Đô Vương sai người lập Lượng phủ cho Thế tử Trịnh Sâm ở, lại sai hai viên tiến sĩ đầu triều là Đạo Phái hầu Dương Công Chú và Nguyễn Hoản[1] làm Tả - Hữu Tư giản để dạy bảo và giúp việc cho Thế tử. Dương Công Chú người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Phụng Thiên[2], đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) niên hiệu Vĩnh Khánh[3] thứ 3, còn Nguyễn Hoản người xã Hương Khê, huyện Nông Cống, trấn Thanh Hoa, đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743) niên hiệu Cảnh Hưng[4] thứ 4.
Mùa xuân Đinh Hợi (1767), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28, Minh Đô Vương Trịnh Doanh lâm bệnh nặng rồi mất. Các quan đại thần nơi Liêu phủ theo di chỉ lập Thế tử Trịnh Sâm lên ngôi vương nối nghiệp chúa, rồi báo tin cho Cảnh Hưng Đế. Cảnh Hưng Đế Lê Duy Diêu sai cận thần mang sắc chỉ qua Liêu phủ phong cho Trịnh Sâm nối nhậm chức Nguyên Soái Tổng Quốc Chính tước Tĩnh Đô Vương (靖都王). Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm (靖都王鄭森). liền phát tang ra toàn nước, truy tôn cha là Minh Đô Vương Trịnh Doanh làm Nghị Tổ Ân Vương.
Tháng hai năm Đinh Hợi (1767), niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28, kinh đô Thăng Long bị động đất, nhiều nhà dân bị hư hại. Quan Thiêm đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục tâu với Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm đấy là điềm bốn phương có loạn lớn và trong chốn thân thích có người phản nghịch. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm rất lấy làm lo bèn truyền cho các trấn gia tăng phòng bị và vời các viên trọng thần vào Liêu phủ thương nghị.
Bấy giờ trọng thần triều trước thì có Trịnh Đạc, Vũ Tất Thận, Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Đình Hoàn, Giáp Nguyễn Khoa, Vũ Đình Trác, Trương Khuông, Trịnh Trụ, Đinh Văn Giai và Nguyễn Công Thái, Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt ..vv.  Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm thấy các quan triều trước đa phần xuất thân từ võ ban và giám ban trong Liêu phủ mà thiếu về đường văn học nên trọng dụng các quan văn ban Nguyễn Bá Lân, Lê Quý Đôn và Ngô Thì Sĩ.
Bấy giờ quân Trấn Ninh đánh ra đất Hương Sơn. Quan quân chống đỡ không nổi liền cấp báo về triều xin cứu viện. Ở mạn Tây Bắc thì Hoàng Công Chất cướp phá liên tục. Ở Kinh Bắc có bọn giặc cướp nổi lên cướp phá các thôn trấn. Lòng người các nơi đều hoảng sợ. Bọn Đinh Thế Giai, Vũ Tất Thận, Nguyễn Công Thái mới xin Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm điều quân đi đánh dẹp.
Nguyên quân Trấn Ninh của Lê Duy Mật(黎維樒)là con thứ của Dụ Tông Hoàng đế Lê Duy Đường, đứng vào bậc hoàng thúc của Hiển Tông Đế Lê Duy Diêu. Thời Uy Nam Vương Trịnh Giang hay làm việc thoán đoạt, phế lập các vua Thuần Tông, Ý Tông, Lê Duy Mật cùng với chú là Lê Duy Chúc và em là Lê Duy Quý làm binh biến ở Thăng Long để lật đổ Liêu phủ. Chẳng may việc bị bại lộ, ba người phải bỏ trốn ra ngoại trấn. Sau Lê Duy Chúc, Lê Duy Quý bị bệnh mất, Lê Duy Mật dời vào Thanh Hóa là đất bản triều của nhà Lê để mưu khởi sự lâu dài. Lê Duy Mật đặt hành cung tại phủ Trấn Ninh nên tục thường gọi là quân Trấn Ninh.
Hoàng thân Lê Duy Mật dựa vào viên thổ hào đất Nghi Dương là Ngô Hưng Tạo phát triển lực lượng, tự xưng là Thiên Nam Đế Tử, phát hịch ra bốn phương kêu gọi dân chúng hưởng ứng phù Lê diệt Trịnh. Bấy giờ các thổ hào và hào kiệt bốn phương nhân dân chúng đang oán hận về sưu cao thuế nặng nên đều mộ nghĩa hưởng ứng. Hiệt kiệt hơn cả có Vũ Đình Trác, Vũ Ngọc Oánh, Nguyễn Tuyển, Nguyển Cừ, Nguyễn Hữu Cầu (阮有求), Nguyễn Danh Phương[5] (阮名芳)và Hoàng Công Chất[6] (黄公質). Thế là bốn phương nổi sóng binh đao, từ kinh kỳ cho đến nội ngoại trấn đâu đâu cũng thấy gươm giáo, khói lửa. Dân chúng ly tán mà lòng người đều hoảng sợ.
Các đại thần nơi Liêu phủ là Nguyễn Quý Cảnh, Nguyễn Công Thái, Trương Khuông, Nguyễn Đình Hoàn, Giáp Nguyễn Khoa bèn mượn danh nghĩa của Thái phi Vũ thị mà phế truất Uy Nam vương Trịnh Giang, lập người em là Minh Đô vương Trịnh Doanh (tức Nghị Tổ Ân vương Trịnh Doanh cha của Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm) làm chúa Liêu phủ. Minh Đô Vương Trịnh Doanh trọng dụng các viên đại tướng Phạm Đình Trọng, Hoàng Ngũ Phúc, Bùi Thế Đạt, Nguyễn Phan, Trương Khuông, Trịnh Đạc, Trịnh Trụ. … lần lược đánh dẹp quân khởi nghĩa bốn phương là Vũ Đình Trác, Vũ Ngọc Oánh, Nguyễn Tuyển, Nguyển Cừ, Nguyễn Hữu Cầu, Nguyễn Danh Phương. Thế là bốn phương tạm yên chỉ còn Hoàng Công Chất chiếm nơi hiểm trở mạn Tây Bắc và Lê Duy Mật giữ mạn ngược Thanh Hoa được các tù trưởng và dân chúng ủng hộ là chưa dẹp được.
Thiên Nam Đế Tử Lê Duy Mật thấy Liêu phủ đang có tang bèn nhân cơ hội phát binh đánh Thanh Chương (Nghệ An) và Hương Sơn (Hà Tĩnh), lại sai người đi Tây Bắc kết thân với Hoàng Công Chất để thanh viện và sai người vào Nam Hà gặp Minh vương Nguyễn Phúc Chu[7] kết làm ngoại viện. Trấn thủ Nghệ An là Bùi Thế Đạt thấy nguy liền cáo cấp về Thăng Long.
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm liền bàn với các quan nội giám tâm phúc nơi Liêu phủ là Thự Phủ sự Luyện Quận công Đổ Thế Giai và Chưởng Phủ sự Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc sai Đại Tư đồ Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đem một vạn quân vào Nghệ An vào tăng viện cho Trấn thủ Bùi Thế Đạt. Thiên Nam Đế Tử Lê Duy Mật thấy quân Bắc Hà đã đến mà mặt Tây Bắc chưa có động tĩnh, người đi Nam Hà chưa có tin báo về bèn kéo quân lùi về cố thủ Trấn Ninh.
Bấy giờ Thụy Quận công Trịnh Lệ là em cùng cha khác mẹ với Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm có ý thoán nghịch. Thời Nghị tổ Ân vương Trịnh Doanh còn sống, Trịnh Lệ đã có ý oán do không được lập làm Thế tử nhưng sợ mà không dám hành động. Nay thấy trong nước có loạn bèn nghĩ là thời cơ để đoạt ngôi chúa đã đến. Thụy Quận công Trịnh Lệ đem việc ấy bàn với thầy học là Phạm Huy Cơ để mưu tính. Phạm Huy Cơ hiềm vì mình là thầy học của Trịnh Lệ, không được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm tin dùng còn bị truất quan tống giam bèn quyết ý khuyên Trịnh Lệ làm chuyện thoán nghịch. Thụy Quận công Trịnh Lệ bèn tuyển bọn tráng sĩ, ngầm thu mua binh khí cất riêng nơi phủ đệ phòng dùng khi hữu sự, lại cho vời bọn gia khách là Dương Trọng Tế[8] và Nguyễn Huy Bá đến để bàn tính.
Dương Trọng Tế trước lấy tên là Dương Trọng Khiêm (楊仲濟)vốn người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, phủ Phụng Thiên, đổ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, người cùng họ Tả Tư giảng Nguyễn Công Chú. Nguyễn Huy Bá người xã Phú Thị, cùng huyện Gia Lâm đổ Hương Cống. Cả hai đều đầu làm gia khách cho Thụy Quận công Trịnh Lệ. Nguyễn Huy Bá, Dương Trọng Tế sợ việc không thành bèn can Trịnh Lệ:
- Xưa nay việc phế lập nơi Liêu phủ không thời nào là không có biến loạn. Trước từ Bình An Vương Trịnh Tùng tranh giành với Tuấn Đức Hầu Trịnh Cối. Tiếp đến là Thanh Đô Vương Trịnh Tráng với Vạn Quận Công Trịnh Xuân, Tây Đô Vương Trịnh Tạc và Ninh Quận Công Trịnh Toàn, tiếp đến là các vương tử Trịnh Luân, Trịnh Phất tranh quyền với An Đô Vương Trịnh Cương. Gần đây nhất là bọn đại thần Liêu phủ cùng nhau phế Uy Nam Vương Trịnh Giang mà đồng lập Nghị Tổ Trịnh Doanh. Xưa Trịnh Cối chết nơi đất bắc, phần mộ không được chôn vào đất liệt thánh, Trịnh Xuân, Trịnh Toàn đều chết thảm, Trịnh Luân, Trịnh Phất đều chịu cảnh tù ngục. Nếu Nghị Tổ (chỉ Trịnh Doanh) không thương tình anh em thì Uy Nam Vương đâu được nhàn nhã nơi cung Thưởng Trì. Huống hồ bọn đại thần Liêu phủ nay đều tuân di mệnh mà phò trợ chúa thượng, Tĩnh Đô Vương đối với quận công cũng chưa có điều gì đáng trách. Ngay Côn Quận Công Trịnh Bồng tiếng là ngành trưởng cũng không có ý vọng động. Nếu làm các việc mà trái mệnh cha, khác ý chúng quyết không thể thành được.
Thụy Quận công Trịnh Lệ không nghe, sai gia thần đuổi hai người ra khỏi phủ. Bọn Dương Trọng Tế, Nguyễn Huy Bá sợ việc lộ ra thì vạ lây đến hai nhà bèn đang đêm vào mật báo với quan Nội giám là Thiều Trung hầu Phạm Huy Đĩnh. Phạm Huy Đĩnh liền trình tấu với Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm, Trịnh Sâm đang đêm liền sai quân nội điện kéo đến phủ của Thụy Quận công bắt Trịnh Lệ và Phạm Huy Cơ tống ngục tra hỏi.
Phạm Huy Cơ biết không thể thoát tội bèn viết tờ cáo trạng nói rõ nguyên do tự mình chủ mưu còn Thụy Quận Công Trịnh Lệ chỉ là vì theo xúi giục nhằm xin nhận chết thay. Đình thần nghị tội Phạm Huy Cơ phải tội xử trãm, còn Thụy Quận công Trịnh Lệ thì bị cách hết chức tước, tống ngục.
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm thấy Nguyễn Huy Bá và Dương Trọng Tế có công cáo giác bèn trọng thưởng và thăng chức cho Nguyễn Huy Bá năm trậc, Dương Trọng Tế được phục chức cũ và thăng hai trậc. Thiêm đô ngự sử Đoàn Nguyễn Thục dâng sớ trình nói: “Dương Trọng Tế vốn đã phạm tội, bị bãi chức không chịu ở nhà hối lỗi còn tham dự vào mưu phản, kết thân với Phạm Huy Cơ trong ngục cấm để đưa tin. Sau lại tố cáo Trịnh Lệ để được yên thân. Còn Nguyễn Huy Bá xưa nay tính tình hào hiệp, ai cũng đã biết tiếng, lại dùng lời ngay thẳng để khuyên can. Thế mà nay kẻ gian người ngay đều được ban thưởng như nhau thì thật không phải là cái gương để khuyến khích người trung thực, răn đe kẻ tiểu nhân”. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm thấy lời tấu hợp tình bèn thu hồi chỉ cũ, chỉ phục lại chức cũ cho Dương Trọng Tế và ban thưởng cho Đoàn Nguyễn Thục.
Bắc Hà từ thời Uy Nam vương Trịnh Giang thường xảy ra bạo loạn, nhất là vùng tứ nội trấn và miền duyên hải. Kho tàng đếu trống rỗng, đình thần thương nghị do số châu phủ quá lớn mà quan lại ngày mỗi nhiều. Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm bèn lược định chia lại toàn cõi Bắc Hà giảm số châu huyện ở bốn phủ. Bốn phủ lược giản còn 29 châu huyện là:
Thanh Hoá 2 phủ, 4 huyện:
Phủ Tĩnh Gia kiêm lý phủ Thanh Đô (nay đổi Thọ Xuân);
Phủ Hà Trung kiêm lý phủ Thiên Quan (nay đổi Nho Quan, thuộc tỉnh Ninh Bình);
Huyện Vĩnh Phúc (nay đổi Vĩnh Lộc) kiêm lý huyện Thạch Thành;
Huyện Cấm Thủy kiêm lý huyện Quảng Bình (nay đổi Quảng Tế);
Huyện Phụng Hóa kiêm lý huyện Lạc Thổ (nay đổi Lạc Hóa) và
Huyện An Hóa

Nghệ An một phủ, một huyện:
Phủ Anh Đô (nay đổi Anh Sơn) kiêm lý phủ Diễn Châu;
Huyện Nghi Xuân kiêm lý huyện Châu Phúc, (nay đổi Chân Lộc).

Sơn Tây một phủ 6 huyện:
Phủ Lâm Thao kiêm lý phủ Đoan Hùng;
Huyện Đông Lan (nay đổi Hùng Quan) kiêm lý huyện Tây Lan (nay đổi Tây Quan);
Huyện Bất Bạc kiêm lý huyện Minh Nghĩa (nay đổi Tùng Thiên);
Huyện Thạch Thất kiêm lý huyện Mỹ Lương;
Huyện Hạ Hoa (nay đổi Hạ Hòa) kiêm lý huyện Hoa Khê (nay đổi Cẩm Khê);
Huyện Tam Dương kiêm lý huyện Sơn Dương và
Huyện Đương Đạo (nay đổi Đăng Đạo).

Sơn Nam 7 huyện:
Huyện Sơn Minh kiêm lý huyện Hoài An;
Huyện Kim Động kiêm lý huyện Thiên Thi;
Huyện Phù Dung (nay đổi Phù Cừ) kiêm lý huyện Tiên Lữ;
Huyện Thanh Liêm kiêm lý huyện Kim Bảng,
Huyện Duy Tiên kiêm lý huyện Bình Lục;
Huyện Vọng Doanh (nay đổi Phong Doanh) kiêm lý huyện Ý Yên;
Huyện Mỹ Lộc kiêm lý huyện Thượng Nguyên.

Kinh Bắc 4 huyện:
Huyện Hữu Lũng kiêm lý huyện Yên Thế,
Huyện Gia Định (nay đổi Gia Bình) kiêm lý huyện Lang Tài,
Huyện Bảo Lộc kiêm lý huyện Lục Ngạn;
Huyện Võ Giàng kiêm lý huyện Quế Dương

Hải Dương 3 huyện:
Huyện Gia Phúc (nay đổi Gia Lộc) kiêm lý huyện Thanh Miện;
Huyện Thanh Lâm kiêm lý huyện Chí Linh;
Huyện Thùy Đường kiêm lý huyện An Lão.

Thái Nguyên 4 huyện, châu:
Huyện Đại Từ kiêm lý huyện Phú Lương;
Huyện Phổ Yên kiêm lý huyện Bình Tuyền (nay đổi Bình Xuyên);
Huyện Đồng Hỉ kiêm lý châu Vũ Nhai (lệ gọi là châu, nay đổi làm huyện);
Châu Định Bắc (nay đổi Định Châu) kiêm lý châu Văn Lãng (lệ gọi là châu, nay đổi là huyện).

Binh đao loạn lạc xảy ra nhiều năm nên việc lễ nghĩa, văn trị đều bị giảm sút. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm bèn lấy những bầy tôi có tài về văn học là thầy học Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm trông lo công việc ở Quốc Tử Giám, Vũ Miên làm Quốc Tử Giám Tế tửu, Lê Quý Đôn và Phan Trọng Phiên làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp để chỉnh đốn việc văn trị. Nhờ đấy mà tệ tham quan dần dần được hạn chế, dân chúng cũng có phần an cư.
Lại nói Hoàng Công Chất nhận được tín thư của Thiên Nam Đế Tử Lê Duy Mật hẹn cùng cất quân đánh họ Trịnh liền nhận lời. Nguyên Hoàng Công Chất cùng Nguyễn Hữu Cầu trước theo Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ làm bộ tướng. Sau Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ thua trận, chết, Nguyễn Hữu Cầu chạy về mạn Đông Bắc, tự xưng làm Đông Đạo Thống quốc Bảo dân Đại Tướng Quân. Quân lính đi theo có vài vạn người, nổi tiếng là tay hào kiệt lừng lẫy một thời. Hoàng Công Chất thì chạy lên mạn Tây Bắc tự xưng là “Then Chất” tiếng Thái nghĩa là Chúa Mường. Hoàng Công Chất lấy động Mãnh Thiên, châu Ninh Biên, tức là Mường Thanh (Điện Biên) làm sào huyệt, tính kế lâu dài. Bấy giờ tù trưởng các tộc Mường, Thái chán ghét quan lại triều đình tham tàn, tận thu thuế khóa bèn đội khăn đi theo Hoàng Công Chất hơn năm vạn người. Hoàng Công Chất sai con là Hoàng Công Toản cùng sáu viên tướng dưới quyền là Bun Xao, Cầm Phẳn, Ma Ngải, Ma Khanh, Cầm Tom, Cầm Phanh đắp thành Tam Vạn để trữ lương, lại đắp thêm phủ riêng ở Bản Phủ để làm nơi ở.
Bấy giờ Trấn thủ Hưng Hóa Đinh Văn Thản lấy cớ binh ít, lương thiếu chần chờ không dám dùng binh, Hoàng Công Chất nhân cơ hội, phát binh lấy luôn mười châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên, Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ.[9]. Liêu phủ hay tin sai người đến vấn tội, Trấn thủ Hưng Hóa Đinh Văn Thản lo sợ triều đình quở trách, sinh bệnh mà chết.
Bấy giờ Hoàng Công Chất thấy triều đình đã đem quân vào Nghệ An liền chia quân làm hai đường, một đạo tiến đánh Hưng Hóa, một đạo đi chiếm Thanh Hoa. Quân của Hoàng Văn Chất tiến đến các châu Mai (Mai Châu), châu Mộc (Mộc Châu) thuộc trấn Hưng Hóa, sau đấy lại chia quân đi cướp các động, cánh kia đánh các sách Quan Gia, Cổ Lũng, Thiết Úng, Ái Chữ và Bất Mộc thuộc trấn Thanh Hoa; rồi lại lập mưu đánh úp huyện Phụng Hóa, định nhân đấy chiếm cứ châu Lang Chính để nhòm ngó An Trường trấn Thanh Hoa. Tổng số quân hai đạo có hơn hai vạn người. Trấn thủ Sơn Tây Hoàng Phùng Cơ(黄馮基), Trấn thủ Thanh Hoa Nguyễn Đình Diễn (阮亭的)đồng báo nguy về triều. Văn thư cáo cấp ở hai trấn về đến triều đình cùng một lúc. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm bèn hạ lệnh cho Thiếu phó Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương đem binh lính bản bộ đến Hưng Hóa, Điển Vũ hầu Nguyễn Trọng Điển đem binh lính bản bộ đến Thanh Hoa, hội quân để tiểu trừ.
Nguyên Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm thấy quân Tây Bắc mấy tháng liền không ra đã sinh nghi, kịp khi quân Trấn Ninh kéo đến đánh Thanh Chương, Hương Sơn liền biết thế nào quân của Hoàng Công Chất cũng nhân cơ hội kéo ra. Nên Tĩnh Đô vương chỉ cấp cho Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm (阮儼)một vạn quân đem vào nam, lại mật dặn Trấn thủ Nghệ An Bùi Thế Đạt chỉ đánh đuổi quân Trấn Ninh chứ không được đem quân vào sâu trọng địa, cố ổn định mặt nam. Còn tinh binh của triều thì đều lưu lại kinh thành, lại khiến tứ trấn tích lũy lương thảo, vũ khí phòng khi hữu dụng.
Bấy giờ thổ tù Tây Bắc có 2 người là Hồ Công Ứng và Đinh Công Hồ dám nổi lên, tụ tập dân chúng chống lại Hoàng Công Chất. Trấn thủ Sơn Tây Hoàng Phùng Cơ đem việc ấy báo về triều, Tĩnh Đô Vương sai người phong cho Hồ Công Ứng làm Mai Ngạn hầu, Đinh Công Hồ tước Sùng Nham bá. Bọn Hồ Công Ứng, Đinh Công Hồ cảm tạ, biên dâng hết dân trong các sách hai người cai quản đi theo quân triều đình, lại chỉ hết tất cả đường đi ngang về tắt của mạn Hưng Hóa. Hoàng Phùng Cơ liền đem kỳ binh chẹn mặt sau của cánh quân đánh Hưng Hóa mưu cắt đường về thành Tam Vạn của Hoàng Công Chất.
Điển Vũ Hầu Nguyễn Trọng Điển đem quân đến Thanh Hóa. Trấn thủ Thanh Hoa Nguyễn Đình Diễn thấy viện binh đã đến liền chia binh làm hai đường đón đánh Hoàng Công Chất. Hoàng Công Chất cố sức chống đỡ luôn mấy trận, có ý mong tin quân Trấn Ninh đánh mặt sau Thanh Hóa để cùng liên kết binh hai phương. Nhưng Bùi Thế Đạt đã đánh lùi quân Trấn Ninh lại đắp các đồn lũy ở mặt nam để ngăn cách. Hoàng Công Chất đợi mãi không thấy tin của quân Trấn Ninh, kịp quân đánh Hưng Hóa báo tin mặt sau của quân Hưng Hóa bị quấy rối, thế trận nguy cấp. Hoàng Công Chất hoảng sợ, lo bị cắt mất đường về nữa đêm liền triệt toàn bộ quân mã theo đường tắt rút về, lại báo cho cánh quân đánh Hưng Hóa cùng rút lui.
Điển Vũ Hầu Nguyễn Trọng Điển, Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương, Trấn thủ Thanh Hoa Nguyễn Đình Diễn, Trấn thủ Sơn Tây Hoàng Phùng Cơ thừa thế đuổi theo thu phục lại toàn bộ các sách, châu hai trấn Hưng Hóa, Thanh Hoa. Hoàng Công Chất sợ phục binh phải bỏ chạy vào Xa Hổ và Nậm Ban, quân lính thất tán hơn phân nữa. Tĩnh Đô Vương bèn sai các tướng đặt các đồn binh nơi trọng yếu, tăng quân đồn trú phòng quân Tây Bắc lại ra, rồi triệu hồi các tướng Trịnh Phương, Nguyễn Trọng Điển về kinh.
Từ đấy lòng dân yên ổn, không còn nơm nớp lo loạn binh đao, nhất là tứ nội trấn Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam và Hải Dương hết nạn khói lửa. Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm lại ngờ quân Nam Hà nhân cơ hội vượt Linh Giang để hổ trợ cho quân Trấn Ninh bèn sai trấn thủ hai trấn Nghệ An, Thanh Hoa kén thêm binh tráng gọi là ưu binh, lương tiền đều được cấp cao hơn quân kén từ các trấn khác, lại miễn giao dịch cho gia đình có người tòng quân. Thanh thế quân triều đình lên cao mà lương thực, khí giới cho việc dụng binh cũng đầy đủ hơn. Lại sai người vào Nam Hà để nghe ngóng tin tức.
Ấy là:
            Chúa thánh đêm ngày lo việc nước
            Vua hiền ngày tháng chẳng phòng nguy

Hết hồi 1.


[1] Còn có tên khác là Nguyễn Hoàn
[2] Phủ Phụng Thiên: là Kinh phủ, nơi đóng đô, hành điện của nhà Hậu Lê, thuộc đất Thăng Long
[3] Vĩnh Khánh:         niên hiệu thời Thuần Tông Hoàng Đế Lê Duy Phường
[4] Cảnh Hưng:          niên hiệu thời Hiển Tông Hoàng Đế Lê Duy Diêu
[5] Còn có tên khác là Nguyễn Danh Ngũ
[6] Còn có tên khác là Hoàng Công Thư
[7] Tục Đàng Trong gọi là Sãi vương
[8] Còn có tên gọi khác là Dương Trọng Khiêm
[9] Nay 4 châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên thuộc Hưng Hóa; 2 châu Quảng Lăng và Hoàng Nham thuộc Vân Nam [Trung Quốc]; còn 4 châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm Châu chưa tra cứu ra.

1 nhận xét:

  1. He he... một tiểu thuyết cổ trang hay, bạn đăng tiếp cho mọi người thưởng thức nhé. Thanks you nhiều!

    Trả lờiXóa